NGUY CƠ HỎA HOẠN TỪ THÓI QUEN NHỎ NHẶT

05/07/2023 08:13

ANTD.VN - Vẫn còn nhiều người dân chưa biết, hoặc thờ ơ với việc phòng ngừa cháy nổ thiết bị sạc, thiết bị tích điện trong gia đình. Điều đáng nói nhất là đa phần số vụ cháy xảy ra đều do người dân sạc qua đêm các đồ vật như điện thoại, máy tính, vợt bắt muỗi, xe đạp điện...

 

Thiết bị nhỏ, nguy cơ lớn

Nhiều người đặt câu hỏi, sạc điện thoại qua đêm tại sao có thể dẫn đến nguy cơ cháy? Lý giải vấn đề này, Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phân tích: “Nếu sạc điện thoại thì thông thường khi đạt đủ 100% pin người sử dụng sẽ phải rút dây điện ra. Nhưng nếu sạc qua đêm, thiết bị đã đủ điện mà nguồn điện cấp vào vẫn chưa được ngắt sẽ dễ dẫn tới bị nóng. Cộng với việc thiết bị được để trên vật liệu không tản nhiệt, dễ cháy như vải vóc, chăn, đệm, thời gian lâu sẽ gây cháy nổ thiết bị và dẫn đến cháy lan, cháy lớn trong đêm”.

Nguy cơ hỏa hoạn từ thói quen nhỏ nhặt ảnh 1

Vụ cháy nhà ở quận Hà Đông, Hà Nội

Ngày 17-5 vừa qua đã xảy ra vụ cháy căn nhà 4 tầng tại ngõ 125 phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội. Rất may, tất cả 4 người trong gia đình trước đó đã được CAQ Ba Đình tập huấn, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn, nên khi xảy ra sự việc đã bình tĩnh trèo qua ban công thoát nạn sang nhà lân cận. Sau khi 4 người thoát nạn an toàn thì cũng là lúc lửa cháy lan lên các tầng rồi nhanh chóng bao trùm ngôi nhà. Nguyên nhân được chủ nhà cho biết là do để điện thoại trên đống quần áo và cắm sạc qua đêm.

Cũng theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, hiện nay có nhiều gia đình sử dụng xe đạp điện và họ thường tranh thủ cắm sạc qua đêm trước lúc đi ngủ. Thói quen này rất dễ dẫn đến gây cháy bởi nhà ở đô thị có đặc điểm chung là nhà ống, chật chội, xe đạp điện và xe máy thường để cùng một phòng. Khi sạc điện qua đêm, ắc quy hoặc thiết bị sạc quá tải chập cháy sẽ lan rất nhanh sang xe máy, từ đó phát nổ bình xăng khiến hỏa hoạn nhanh chóng bao trùm ngôi nhà. Lúc này chủ nhà đã ngủ say, khi phát hiện ra thì đã quá muộn, hoặc phát hiện trong tình trạng hoảng loạn và dẫn đến hậu quả khôn lường.

Nguy cơ hỏa hoạn từ thói quen nhỏ nhặt ảnh 2

Một chiếc xe đạp điện bị chập cháy khi đang sạc, sau đó lan sang xe máy dẫn tới hỏa hoạn

Ngày 13-5, một vụ cháy thương tâm đã xảy ra tại ngôi nhà 4 tầng ở quận Hà Đông đã khiến 4 người tử vong. Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an thu được 2 bộ khung xe máy và xe đạp điện cùng chiếc vợt muỗi bằng pin sạc. Hiểm họa từ thiết bị điện cắm sạc qua đêm không còn là cảnh báo mà đã thường xuyên xảy ra.

Cách sử dụng thiết bị an toàn

Trở lại vụ cháy ở ngõ 125 phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, chính chủ nhân sau đó cũng thừa nhận: “Tôi không thể nghĩ sạc chiếc điện thoại mà có thể trở thành hậu quả lớn như thế”. Hỏa hoạn là vậy, nó luôn tiềm ẩn những nguy cơ mà con người càng chủ quan thì càng không bao giờ có cơ hội sửa sai. Chính vì thế pháp luật mới có quy định cụ thể, phòng chống cháy nổ là trách nhiệm của mọi người dân. Nếu trong gia đình có 4 người mà chỉ cần 1 người chưa có ý thức về PCCC thì vẫn chưa thể đảm bảo an toàn. Cả khu dân cư đều chấp hành quy định PCCC, nhưng nếu 1 hộ dân kém ý thức thì điều đó có nghĩa là tất cả cũng bị hỏa hoạn đe dọa.

Nguy cơ hỏa hoạn từ thói quen nhỏ nhặt ảnh 3

Điện thoại dễ bị phát nổ, chập cháy khi cắm sạc qua đêm dẫn tới hỏa hoạn

Từ những vụ vụ cháy gây hậu quả khôn lường xảy ra ở quận Hà Đông và quận Ba Đinh trong tháng 5 vừa qua, Giám đốc CATP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chức năng, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp phòng chống cháy nổ mùa nắng nóng. Được biết hiện nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Hà Nội đang triển khai cao điểm an toàn PCCC và CNCH, trong đó các nội dung tuyên truyền, tập huấn, trang bị kỹ năng được triển khai liên tục đến tận tổ dân phố, khu dân cư. Cùng với đó là sự chung tay của các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” đã và đang được lực lượng công an triển khai mạnh mẽ khắp ngõ nhỏ, ngõ sâu, nơi phương tiện chữa cháy không tiếp cận được. Đó là động thái tích cực hướng tới mục tiêu cao nhất là vì sự an toàn của người dân, vì cộng động.

Thế nhưng, thực tiễn cuộc sống vẫn có câu “nước xa không cứu được lửa gần”. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho gia đình và chính bản thân thì phòng ngừa hỏa hoạn vẫn là biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất. Đó là mỗi công dân luôn phải đảm bảo an toàn PCCC một cách tuyệt đối, cho dù đó chỉ là hành động cắm sạc của một thiết bị.

Nguồn:anninhthudo.vn